Dạy lái xe ô tô số tự động cho người mới như thế nào?

Đã có nhiều tai nạn giao thông xảy ra khi người mới lái xe ô tô vô tình đạp nhằm chân ga thay vì đạp phanh, trong đó cũng không ít trường hợp có “tài già” ngồi ở ghế phụ để hướng dẫn, giảng dạy lái xe ô tô số tự động. Việc lái xe cũng không thể nói hay nói giỏi được bởi đôi khi rủi ro chỉ xảy ra trong tích tắc.

Bản thân người viết cũng đã đào tạo, hướng dẫn nhiều người nhận bằng lái nên xin chia sẻ một số kinh nghiệm khi tham gia vào hướng dẫn dạy lái xe ô tô số tự động cho người mới.

Đặc biệt đối với nhiều dòng xe hiện đại, xe sang đắt tiền thời bây giờ, vị trí phanh tay thường được đưa xuống dưới chân trái người cầm lái hoặc chỉ là các nút nhấn kiểu phanh tay điện tử. Trong khi đó, điều khiển cần số ở các dòng xe Đức, xe Mỹ lại đưa lên trên vô-lăng. Những thiết kế mới này khiến người ngồi hướng dẫn (ngồi bên ghế phụ) khó thao tác nhanh như “giật phanh tay” hay kéo cần số về “số mo” (Số N) để làm giảm tốc độ của xe giúp hạn chế lực va chạm khi người mới lái đạp nhầm chân ga thay vì đạp chân phanh.

Dạy lái xe ô tô số tự động cho người mới như thế nào?
Dạy lái xe ô tô số tự động cho người mới như thế nào?

Ảnh: Việc nhầm chân phanh và chân ga đã khiến chiếc xe bị rơi xuống mương Mỹ Đình

Trong quá trình nhiều năm hướng dẫn người mới tốt nghiệp trường lái xe hoặc đã tốt nghiệp nhưng nhiều năm không cầm vô-lăng, tôi thấy rằng, người mới lái đều gặp phải mấy vấn đề cơ bản sau:

– Họ thường xem ô tô như một vật thể “xa lạ” nên mất đi tự tin trong việc kiểm soát nó. Không dám đạp ga hay đạp phanh mạnh, không dám đánh vô-lăng một cách tròn trịa, dứt khoát, gọn gàng.

– Khi ngồi vào vị trí lái, không chọn được tư thế thích hợp, khoảng cách giữa ghế và vô lăng quá gần hoặc quá xa khiến việc đánh lái khó khăn, kiểm soát chân ga, phanh bị cản trở.

– Thiếu sự phán đoán, cảm nhận giữa tốc độ với các vật cản thường không thanh thoát.

– Bị ảnh hưởng bởi các tiếng động lạ (tiếng quát tháo, còi… ) dễ dẫn đến tình trạng bị bối rối.

Vì vậy, khi hướng dẫn người mới học lái xe ô tô b1 số tự động, tôi thường hướng dẫn theo quy trình sau:

Bài 1 – Tập phản xạ thay đổi chân ga – phanh

– Để dạy lái xe ô tô số tự động cho người mới, trước hết phải tìm một khu đất trống, vắng người, không có người tham gia giao thông. Cho xe đỗ tại 1 vị trí, gạt cần số về vị trí P (hoặc N cũng được). Hướng dẫn người lái chọn được tư thế lái thoải mái nhất, thả lỏng người rồi yêu cầu người lái dùng chân phải đạp chân ga theo 2 hiệu lệnh: tăng ga đều và nhẹ, tăng ga nhanh… Làm nhuần nhuyễn cho đến khi người mới lái có cảm giác tốt về việc điều khiển chân ga.

Bài tập học lái xe ô tô số tự động dành cho người mới
Bài tập học lái xe ô tô số tự động dành cho người mới

Ảnh: Nên chọn khu vực vắng, không có người, phương tiện giao thông qua lại để thực hành.

– Sau đó, dùng chân phải thay đổi chân ga và chân phanh theo hiệu lệnh: ga, phanh… ga-ga, phanh, ga… lúc đầu nhịp đều, chậm rãi, sau tăng nhanh tốc độ khẩu lệnh và các nhịp bất ngờ, liên tục. Bài tập này giúp người mới lái phản xạ nhanh với việc điều khiển chân ga, chân phanh.

Bài 2 – Bài tập tăng tốc và phanh trên đường thẳng

– Trong bài tập này, tôi yêu cầu người mới học lái xe ô tô số tự động điều khiển xe thật chậm và yêu cầu họ tạo thói quen khi di chuyển chậm thì luôn đặt chân phải lên bàn đạp phanh với trạng thái sẵn sàng đạp phanh dừng xe. Vì xe số tự động sẽ tự chạy với tốc độ khoảng 15-20km/h mà người lái không cần đạp chân ga. Mục đích của thói quen này là để giúp người lái kiểm soát xe khi qua đám đông, ngõ nhỏ an toàn hơn và lỡ có luống cuống thì chỉ cần đạp phanh là giảm thiểu được rủi ro.

– Khi đã quen với việc điều khiển xe tốc độ chậm, tiếp theo tôi yêu cầu người lái làm quen với sự thay đổi tốc độ đột ngột của xe. Người lái sẽ nghe theo tôi với các lẹnh điều khiển như: tăng tốc dần đều rồi rà phanh đến khi xe dừng hẳn; tăng tốc nhanh (đạp ga mạnh) lên tốc độ 60-80km/h rồi đạp phanh gấp “sát sàn”. Mục đích của bài tập này là để người lái không sợ tiếng lốp kéo trên mặt đường. Cứ như vậy, thực hành đến khi người lái quen với việc ga, phanh thành thạo, có cảm giác tốt về tốc độ của xe.

Bài 3 – Đánh lái và điều khiển xe zig-zắc

– Khi người lái cảm thấy thoải mái và tự tin với chân ga, phanh sau 2 bài tập ở trên, tôi yêu cầu người lái điều khiển xe đi theo đường zig-zắc với tốc độ chậm khoảng 20km/h và tăng dần lên chút nếu thấy người lái tự tin. Tất nhiên, bài tập này được thực hành trên đường thẳng, đủ độ rộng và không có người lưu hành.

– Bài tập cuối cùng, tôi yêu cầu tự tay người lái điều khiển xe thực hiện động tác cua trái, phải… một cách liên tục và hướng dẫn người thực hành luôn luôn bật xi-nhan, quan sát gương hậu trước khi đánh lái.

Trên đây chỉ là những kinh nghiệm cá nhân tôi tự đúc rút trong quá trình hướng dẫn những người mới học lái xe ô tô số tự động và thật may mắn là các anh chị, bạn bè tôi hướng dẫn đều thành thạo và tự tin cầm lái. Mong rằng những kiến thức này sẽ ít nhiều giúp cho việc dạy lái xe ô tô số tự động cho người mới trở nên dễ dàng hơn.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *